Trong vòng một tháng trở lại đây, Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và điều trị gần 70 ca mắc cúm A, cúm B do virus gây ra, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Đa phần số ca mắc cúm A là trẻ em và đã ghi nhận trường hợp diễn biến nặng.

Bác sĩ Đỗ Tiến Lập, Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp, do virus cúm A, B, C gây nên. Năm nay diễn biến bệnh khác so với mọi năm, dù đã vào Hè nhưng số lượng bệnh nhân mắc cúm vẫn tăng nhiều hơn so với cùng kỳ các năm trước. Triệu chứng phổ biến của cúm trái mùa là ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt,… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, đặc biệt trên các đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sức khỏe yếu như người già và trẻ nhỏ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.000 ca mắc cúm, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ Phạm Đức Tài - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết, để phòng chống bệnh cúm, người dân phải thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; rửa mắt, mũi, miệng bằng nước sạch. Bên cạnh đó, người dân cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng. Tiêm vaccine cũng là biện pháp phòng chống bệnh cúm hiệu quả, có thể làm giảm 40-50% nguy cơ mắc bệnh. Trường hợp tiêm vaccine khi mắc bệnh cúm thì triệu chứng cũng nhẹ hơn.

Bệnh cúm A, cúm B có diễn biến nhanh, có nguy cơ cao bùng phát thành dịch. Các bác sĩ khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus. Trong trường hợp các triệu chứng ngày càng tăng nặng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.